Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Mặt bằng kinh doanh rục rịch giảm giá

Công ty Đại Thắng Holdings có trụ sở tại Đà Nẵng vừa công bố giảm 20% giá thuê văn phòng tại hệ thống các tòa nhà doanh nghiệp đang vận hành khai thác. Ông Đoàn Thiên Việt, CEO Đại Thắng cho biết công ty chủ động giảm giá thuê tòa nhà nhằm chia sẻ một phần khó khăn cho khách hàng từ 1/3 đến khi Covid-19 được kiểm soát. Nhóm khách hàng được giảm giá gồm các đối tác đã ký hợp đồng trước ngày 1/3 và cả khách hàng mới phát sinh.

Cũng trong đầu tháng 3, Tập đoàn Hưng Thịnh tuyên bố giảm giá thuê mặt bằng cho đến tháng 4, áp dụng tại 2 trung tâm thương mại tọa lạc tại TP HCM gồm Moonlight Plaza, quận Thủ Đức, Saigon Mia, huyện Bình Chánh và một địa điểm nữa là Vung Tau Melody tại TP Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết doanh nghiệp chấp nhận giảm doanh thu giá thuê mặt bằng để giúp đối tác ổn định kinh doanh. Do ảnh hưởng của dịch, lượng khách đến trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi đều giảm mạnh. Các doanh nghiệp, cửa hàng rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía như các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay...

Trong khi một số doanh nghiệp chủ động công bố giảm giá thuê mặt bằng cho đối tác, nhiều khách đi thuê bất động sản thương mại và văn phòng cũng đã mạnh dạn đề nghị các chủ tòa nhà giảm giá do làm ăn khó khăn, không thể trụ lại với mức phí thuê mặt bằng cao như hiện nay.

Ông Hòa có nửa thập niên hành nghề môi giới cho thuê mặt bằng thương mại tại các quận 1, 2 và Bình Thạnh tiết lộ, một số chuỗi F&B (ẩm thực) quy mô lớn đã đề nghị phía cho thuê mặt bằng giảm 40% giá thuê, tương ứng với sự sụt giảm doanh số 40% trong mùa dịch. Các chuỗi này cho rằng nếu không nhận được sự chia sẻ giảm giá thuê, họ sẽ trả mặt bằng dời đi để tái cấu trúc hệ thống và tìm địa điểm mới rẻ hơn.

Nhà mặt tiền cho thuê đóng cửa tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà mặt tiền cho thuê trên đường Phan Đăng Lưu ( TP HCM) đóng cửa ngày 5/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Một số công ty quy mô vừa và nhỏ đang thuê văn phòng tại các tòa nhà phân khúc 15-25 USD mỗi m2 một tháng và nhà phố cải tạo cũng đã đề nghị chủ tòa nhà giảm giá thuê 20-25% trong giai đoạn kinh doanh sản xuất, xúc tiến đầu tư bị đình trệ mùa dịch.

"Đây là bước mặc cả mức giá thuê mặt bằng mới hợp lý hơn trong giai đoạn Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Chỉ cần các chủ tòa nhà ngồi vào bàn đàm phán, hỗ trợ giảm giá thuê bằng một nửa mức đề nghị đã xem như cung cầu gặp nhau ", ông Hòa nói.

Các cuộc mặc cả giảm giá thuê mặt bằng chỉ mới bắt đầu từ giữa tháng 2 nhưng mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ đã rục rịch hạ giá. Ông Hòa cho hay, khảo sát sơ bộ từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, giá thuê nhà mặt phố tại quận Bình Thạnh bị điều chỉnh khoảng 7-8% và nhà mặt phố tại quận 2 hạ nhiệt mạnh nhất, mức sụt giảm trên dưới 15%.

Khu trung tâm quận 1 có vị thế đắc địa hơn các quận kế cận nên quá trình đàm phán lâu hơn và khó giảm giá hơn, nhưng cũng đã xuất hiện một số phương án hỗ trợ. Chẳng hạn như gói hợp đồng thuê mặt bằng 2 năm mới tăng giá một lần bắt đầu được áp dụng nhiều hơn, giảm một số chi phí dịch vụ trong mùa dịch. Những tỉnh thành khác ngoài địa bàn TP HCM, việc giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh sẽ dễ dàng hơn vì mức độ sôi động của những thị trường này kém xa Sài Gòn.

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá, việc giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh sau một tháng chịu sức ép của dịch là hệ quả tất yếu. Thậm chí, hiệu ứng domino này có thể tiếp tục kéo dài thêm trong nhiều tháng tới, len lỏi vào nhiều loại tài sản cho thuê khác và chỉ ổn định lại khi dịch bệnh kết biên dịch thúc.

Có thể thấy 2 xu hướng giảm giá thuê mặt bằng đang diễn ra hiện nay. Xu hướng thứ nhất là bên cho thuê chủ động giảm giá vì thấy đối tác thuê đang kinh doanh khó khăn. Xu hướng thứ hai là khách thuê mặt bằng đề nghị giảm giá thuê, đàm phán hạ giá và gây áp lực trả mặt bằng.

Dù chủ động hay bị gây sức ép giảm giá mặt bằng kinh doanh, các chủ tài sản sẽ có động thái điều chỉnh giá một cách công khai hoặc thầm lặng như một chiến lược khôn ngoan. Bởi lẽ, nếu giá thuê mặt bằng vẫn neo ở mức cao trong mùa dịch, cơn lốc trả mặt bằng sẽ mạnh dần lên và đôi bên đều tổn thất. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có rất nhiều chủ tòa nhà có quyết định cứng rắn là giữ giá thuê để tránh làn sóng đòi giảm giá lan rộng. Các tổ chức, công ty sở hữu tài sản thường cân nhắc giảm giá thuê mặt bằng lâu hơn các chủ tài sản nhỏ lẻ.

Ông Nghĩa phân tích, giá thuê mặt bằng kinh doanh (bao gồm mặt bằng bán lẻ, thương mại dịch vụ và văn phòng) tại TP HCM và nhiều tỉnh thành đã tăng vọt trong suốt 4 năm thị trường bất động sản diễn ra sốt đất gần như khắp cả nước.

Các ngành kinh doanh F&B chịu sức ép rất lớn và một thời gian dài họ phải chấp nhận giá thuê cao chiếm 25-35% chi phí đầu vào để phát triển thương hiệu, gia tăng quy mô chuỗi và tiếp cận số đông khách hàng. Tương tự, trong gần nửa thập niên qua, thị trường văn phòng cho thuê đã tăng giá thuê 35% cho cả chu kỳ 2016-2019. Các hệ lụy từ việc chi phí mặt bằng ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu phát huy tác dụng khi cú sốc Covid-19 xuất hiện.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, chuyên gia này tin rằng dịch bệnh đang thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, khiến cho cơn lốc trả mặt bằng kinh doanh mạnh dần lên và là liều thuốc thử rất tốt để hạ nhiệt làn sóng tăng giá thuê mặt bằng trong gần nửa thập niên qua. "Cuộc mặc cả này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi bên cho thuê và khách thuê gặp nhau ở bài toán hiệu quả kinh doanh", ông Nghĩa nói.

Trung Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét